Cần cân nhắc những gì khi nhảy việc?

Năng lực và tư tưởng luôn lung lay khi có cơ hội khác của lao động Việt ít phù hợp với DN Nhật.

Không khí buổi trao đổi “Làm thế nào để có thể làm việc tốt tại doanh nghiệp (DN) Nhật Bản” do Công ty TNHH I-Glocal (chuyên tư vấn tuyển dụng nhân sự) tổ chức gần đây trở nên sôi nổi khi Dương Thị Thu Tâm, sinh viên (SV) Trường ĐH Tài chính – Marketing TP HCM, trình bày băn khoăn về cơ hội việc làm tại các DN Nhật. “Nghe nói các công ty Nhật rất kén người và luôn yêu cầu cao. Ai có ý định sẽ bị đào thải ngay tức khắc” – Tâm nói.

Chưa thấy lợi đã có hại

Tâm cho biết được sang Nhật học tập là ước mơ từ nhỏ của mình. Vì vậy, trong thời gian tìm cơ hội du học, Tâm muốn vào DN Nhật làm việc để trau dồi kinh nghiệm, khả năng giao tiếp. “Thế nhưng, nhiều người nói rằng nếu khi phỏng vấn mà nói rõ mục đích như vậy, chắc chắn sẽ bị đánh rớt” – Tâm lo lắng.

Ba tháng nay, Trương Anh Tuân, cựu SV Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, cũng lâm vào cảnh thất nghiệp do sai lầm hy hữu. Vừa ra trường, Tuân may mắn được một công ty có vốn đầu tư nước ngoài nhận vào làm ở vị trí phiên dịch viên. Tuy nhiên, sau 1 tháng làm việc, Tuân tâm sự với đồng nghiệp rằng đây không phải là công việc mà Tuân muốn gắn bó. Dự định sau 2 năm, Tuân sẽ ứng tuyển vị trí nhân viên kinh doanh của công ty khác nếu có cơ hội. Một tuần lễ sau, Tuân bất ngờ nhận được thông báo nghỉ việc. Tuân buồn bã: “Sếp nói thẳng nếu không có ý định làm việc lâu dài, tôi sẽ không tập trung vào công việc nên năng suất làm việc không ổn định. Vì thế, công ty đã tìm người thay thế tôi”.

Kết quả khảo sát 8.000 người tìm việc có kinh nghiệm trung bình 5 năm của trang web tuyển dụng Vietnamworks cho thấy hơn 50% trong số này thừa nhận công việc hiện tại chỉ là bước đệm cho công việc và sự nghiệp mơ ước, 36% cho rằng đây chỉ là công việc nuôi sống bản thân.

Không nên “đứng núi này…”

Giải đáp thắc mắc của số đông lao động trẻ về cơ hội việc làm, ông Lê Quốc Duy, Giám đốc Công ty TNHH I-Glocal, dẫn chứng hiện có khoảng 1.600 DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam. Do đó, các DN Nhật luôn có nhu cầu cao trong việc tuyển dụng nguồn nhân lực tại chỗ. Đáng buồn là số lao động trong nước đóng vai trò quan trọng trong DN Nhật hiện chỉ khoảng 10 người. Năng lực và tư tưởng luôn lung lay khi có cơ hội khác của lao động Việt ít phù hợp với DN Nhật.

Ông Nguyễn Đình Phúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH I-Glocal, cũng cho biết nếu nhân viên người Việt chân thành, đừng “làm việc nơi này mà ngóng về nẻo khác” thì sẽ thành công. “Kiên trì làm việc, biết kiềm chế cảm xúc và luôn làm tốt công việc hiện tại bằng tinh thần phục vụ, lăn xả sẽ giúp lãnh đạo DN ấn tượng, lắng nghe; nhân viên sẽ có cơ hội thực hiện mục tiêu nghề nghiệp” – ông Phúc khuyến cáo.

Theo bà Nicola Connolly, Tổng Giám đốc Công ty CP Adecco Việt Nam, 62% DN Việt Nam gặp khó khăn trong vấn đề tuyển dụng. Trong năm 2014, nhóm lao động mới gia nhập thị trường sẽ gặp nhiều rào cản khi tìm việc. Mặt khác, chu trình tuyển dụng của DN cũng dài hơn, tập trung vào việc tuyển đúng người, năng suất và hiệu quả vốn đầu tư. Vì vậy, DN có sẵn kế hoạch đào thải những nhân viên không có kỹ năng, thiếu tập trung và manh nha nhảy việc.

Nhiều cơ hội việc làm

Khảo sát vừa được công bố của Công ty CP Adecco Việt Nam nêu rõ: Tỉ lệ thất nghiệp toàn cầu trong năm 2013 đang ở mức kỷ lục và dự kiến sẽ duy trì ở mức 6% đến năm 2017. Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất: 2,4%. Trung bình 1 ngày TP HCM có khoảng 150.000 công việc cần tìm người. Điều này chứng tỏ thị trường lao động TP nói riêng và cả nước nói chung vẫn nghiêng về phía người lao động.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *